Đối với một người tiêu dùng lựa chọn MacBook (đặc biệt vào thời điểm sau năm 2020), việc có thể dùng được cả các phần mềm Windows trên môi trường hệ điều hành macOS - hệ điều hành của MacBook, luôn là một nhu cầu chưa được giải quyết do phần mềm không tương thích.
Song dưới sự phát triển ngày một nhanh chóng của khoa học công nghệ, những vấn đề không tương thích như trên cũng dần có các cách giải quyết, trong đó có thể kể đến đó là Whisky App.
Trong NOTES hôm nay, mình sẽ chia sẻ quá trình tìm hiểu và sử dụng Whisky vận hành thành công Windows App trên MacBook. Nội dung cụ thể như sau:
Thiết bị được dùng và trình độ tin học của mình:
Trước khi chia sẻ nội dung chính, mình muốn giới thiệu qua thiết bị mình dùng, trình độ tin học của mình, cũng như một vài kiến thức nền về vấn đề cần được giải quyết trong quá trình được ghi lại ở trong Notes lần này.
Thiết bị được sử dụng lần này là M2 MacBook Air (ra mắt vào năm 2022), 16GB RAM, 256GB bộ nhớ trong và 1TB bộ nhớ ngoài (mua thêm). Phiên bản Hệ điều hành là macOS Sequoia 15.3.1 (được phát hành vào 11/02/2025).
Ngoài ra về trình độ kiến thức tin học của mình, tính đến thời điểm hiện tại sau khi đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ, trình độ kiến thức tin học của mình vẫn dừng lại ở tin học cơ bản được học ở thời THPT. Song do bình thường lúc rảnh cũng hay tìm tòi mày mò, nên cũng có tự tìm hiểu tự biết đôi chút về thông tin cũng như các kiến thức liên quan đến lĩnh vực tin học công nghệ này.
Tại sao phần mềm Windows lại không thể trực tiếp chạy trên MacBook ?
Quay trở lại với vấn để Windows App không thể vận hành trực tiếp trên MacBook do vấn đề tương thích, vậy Tại sao phần mềm Windows lại không thể vận hành trực tiếp trên MacBook (đặc biệt là MacBook sau năm 2020) ?
Với câu hỏi này, sau khi tìm hiểu, mình thấy cần phải chia thành hai giai đoạn để trả lời, phân biệt là MacBook trước nâm 2020, và MacBook sau năm 2020.
Vào thời điểm trước năm 2020, khi MacBook còn đang sử dụng Chip x86 đến của Intel (Intel Mac).
Chip x86 là một kiến trúc vi xử lý do Intel phát triển, ra mắt lần đầu với vi xử lý 8086 vào năm 1978. Đây là nền tảng quan trọng trong ngành công nghiệp máy tính, được sử dụng rộng rãi trong PC, laptop và máy chủ. Kiến trúc x86 hỗ trợ tập lệnh CISC (Complex Instruction Set Computing), giúp thực hiện nhiều tác vụ phức tạp trong một lệnh duy nhất.
Ở giai đoạn này, Phần mềm Windows không thể chạy trực tiếp trên máy Mac dùng chip Intel do sự khác biệt về cơ chế khởi động và môi trường hệ điều hành. Trong đó:
1. Cơ chế khởi động khác nhau
- Windows sử dụng BIOS hoặc UEFI để khởi động.
- Mac dùng EFI (Extensible Firmware Interface), một biến thể khác của UEFI, khiến Windows không thể khởi động trực tiếp khi không có sự hỗ trợ từ Boot Camp hoặc các trình giả lập.
2. Thiếu driver phần cứng
- Mac sử dụng phần cứng tối ưu cho macOS, nên không có đầy đủ driver cho Windows. Nếu cài đặt thủ công, một số thiết bị như bàn phím, trackpad hoặc card đồ họa có thể không hoạt động đúng cách.
Song khi thời gian bước đến năm 2020, mọi chuyện lại có thêm những chuyển biến khác.
Apple ra mắt chip M1 vào ngày 10/11/2020 trong sự kiện “One More Thing”, đánh dấu bước chuyển đổi từ vi xử lý Intel sang kiến trúc ARM tự phát triển. M1 là chip đầu tiên của Apple dành cho Mac, tích hợp CPU, GPU, Neural Engine và bộ điều khiển bộ nhớ trên cùng một SoC (System on a Chip). Với tiến trình 5nm, M1 mang lại hiệu suất cao hơn, tiết kiệm điện năng và cải thiện đáng kể thời lượng pin cho MacBook Air, MacBook Pro 13 inch và Mac mini.
Kể từ giai đoạn này cho đến nay, phần mềm Windows không thể chạy trực tiếp trên Apple Silicon Mac (chip M1, M2, M3…) do các nguyên nhân sau:
1. Khác biệt về kiến trúc vi xử lý
- Apple Silicon sử dụng kiến trúc ARM thay vì x86-64 như các máy Mac Intel trước đây.
- Phiên bản Windows phổ biến (Windows 10/11) được thiết kế cho x86-64, nên không thể chạy trực tiếp trên chip ARM của Apple.
2. Microsoft không cung cấp Windows ARM chính thức cho Mac
- Microsoft có phiên bản Windows on ARM, nhưng chỉ cấp phép cho các nhà sản xuất thiết bị như Qualcomm, Lenovo, HP…
- Apple không hỗ trợ cài đặt Windows ARM chính thức trên Mac Silicon qua Boot Camp như trước đây.
3. Thiếu driver tương thích
- Apple không phát triển driver Windows dành riêng cho phần cứng Apple Silicon.
- Windows ARM cũng chưa tối ưu cho các thiết bị Apple, khiến hiệu suất kém ổn định.
Mặc dù trong một khoảng thời gian dài khi nhắc đến cách vận hành ứng dụng được phát triển cho Windows trên MacBook, phần lớn tài liệu đều xoay quanh việc làm thế nào thông qua phương thức máy ảo để vận hành được Windows trên các thiết bị Mac.
Song đối với câu hỏi làm thế nào để vận hành ứng dụng được phát triển cho nền tảng Windows trên MacBook, hiển nhiên không chỉ có một cách như vậy.
Wine và macOS
Cho đến một ngày gần đây, khi đang tìm cách để có thể cài đặt một trò chơi chỉ được phát hành trên nền tảng Windows để chơi cùng bạn cùng phòng. Mình mới tình cơ phát hiện được Wine - một phương án khác trong việc cài đặt vận hành các Windows App trên MacBook nếu không muốn cài đặt các phần mềm máy ảo.
Wine (viết tắt của Wine Is Not an Emulator) là một phần mềm mã nguồn mở cho phép chạy ứng dụng Windows trên các hệ điều hành UNIX-like, bao gồm Linux, macOS và BSD. Thay vì giả lập (emulation), Wine dịch các lệnh API của Windows sang hệ thống UNIX theo thời gian thực, giúp phần mềm chạy mượt hơn so với ảo hóa. Wine hỗ trợ nhiều ứng dụng phổ biến như Microsoft Office, Photoshop và một số trò chơi. Phiên bản thương mại CrossOver do CodeWeavers phát triển dựa trên Wine, cung cấp hỗ trợ tốt hơn. Wine giúp người dùng không cần cài Windows vẫn có thể chạy ứng dụng Windows trên UNIX.
Mặc dù nếu đọc thoáng qua thông tin trên, có thể thấy đường như thông tin này không liên quan gì lắm đến với MacBook, đặc biệt là phần mềm hệ điều hành được vận hành trên sản phẩm máy tính này. Song khi thấy cụm từ UNIX, dựa trên những nhận biết có hạn của mình về giới công nghệ, cũng như giới thiệu về macOS cũng từng có nêu đến việc macOS là hệ điều hành dành cho máy Mac, được Apple phát triển từ năm 2001 dựa trên hệ điều hành UNIX-based, nổi bật với giao diện trực quan, tính ổn định cao và bảo mật mạnh mẽ. Dường như phần nào cũng mở ra khả năng cho việc có thể vận hành được các Windows App trên đây.
Các phần mềm vận hành Wine
Do Wine không có giao diện đồ hoạ dành cho người dùng phổ thông, nên từ đó trên thị trường đã xuất hiện không ít các phần mềm được dùng để vận hành Wine trên nền tảng macOS. Bao gồm:
Whisky (miễn phí): là một giao diện đồ họa (GUI) dành cho Wine trên macOS, giúp người dùng chạy ứng dụng Windows dễ dàng mà không cần cài đặt Windows. Dựa trên công nghệ Wine và Apple's Game Porting Toolkit, Whisky tối ưu hóa trải nghiệm khi chạy phần mềm và trò chơi Windows trên máy Mac, đặc biệt là Mac sử dụng chip Apple Silicon (M1, M2, M3). So với Wine thuần túy, Whisky đơn giản hơn, có giao diện trực quan và hỗ trợ tốt hơn cho game thủ. Nhờ Whisky, người dùng có thể tận dụng phần cứng mạnh mẽ của macOS để chạy ứng dụng Windows một cách hiệu quả.
CrossOver (thu phí): là một phần mềm thương mại dựa trên Wine, giúp chạy ứng dụng Windows trên macOS, Linux và ChromeOS mà không cần cài đặt Windows. Được phát triển bởi CodeWeavers, CrossOver cải thiện Wine với giao diện thân thiện, hỗ trợ tốt hơn và tối ưu hiệu suất cho nhiều ứng dụng phổ biến như Microsoft Office, Adobe Photoshop, Steam và một số trò chơi Windows. Đặc biệt, phiên bản mới hỗ trợ tốt các máy Mac dùng Apple Silicon (M1, M2, M3) bằng cách kết hợp Wine và macOS Game Porting Toolkit. CrossOver giúp người dùng dễ dàng sử dụng ứng dụng Windows mà không cần ảo hóa hay dual-boot.
Wineskin (miễn phí): là một công cụ miễn phí giúp chạy ứng dụng Windows trên macOS bằng cách đóng gói chúng vào một "wrapper" dựa trên Wine. Thay vì phải cài đặt Windows hoặc sử dụng máy ảo, Wineskin tạo ra các ứng dụng macOS có thể chạy độc lập nhưng thực chất sử dụng công nghệ Wine để dịch API Windows. Nó đặc biệt hữu ích cho các trò chơi và phần mềm cũ không có phiên bản macOS. Wineskin hỗ trợ tùy chỉnh sâu, cho phép người dùng tinh chỉnh cài đặt để tối ưu hiệu suất. Dù không còn phát triển chính thức, cộng đồng vẫn duy trì và cập nhật công cụ này.
Mặc dù đã thử qua cả 3 phần mềm trên để có thể cài đặt, tuy nhiên cuối cùng tuỳ vào độ khó dễ trong thao tác cũng như khắc phục lỗi có thể xảy ra trong quá trình vận hành, Whisky vẫn là phần mềm có thao tác dễ nhất trong số bộ 3 phần mềm trên (đặc biệt nó còn miễn phí nữa)
Các bước thao tác với Whisky (với hình)
Để có thể chạy phần mềm Windows trên macOS bằng Whisky, ta cần làm các bước như sau:
Truy cập https://getwhisky.app/, tài về file dmg để cài đặt trên macOS (ảnh ở trang sau)
Sao chép app vào trong thư mục Application của macOS
Mở App lần đầu, bấm vào Next để thiết lập bước đầu các bộ kiện phần mềm cần thiết
Sau khi cài đặt xong, bấm vào Create Bottle để bắt đầu tiến hành thiết đặt bình chứa cài đặt app đầu tiên
Sau khi thiết lập Bottle xong, ấn vào Winestrick, chọn Fonts để cài đặt font chữ (để tránh bị loạn mã khi hiển thị UI của app Windows). Lần lượt cài đặt:
Corefonts (bộ fonts cốt lõi khi khởi động Windows)
Cjkfonts (dùng để hiện thị tiếng Trung, Nhật, Hàn)
Cuối cùng, chọn run để có thể mở file exe để cài đặt phần mềm vào Bottle.
Chú ý:
Không phải phần mềm Windows nào cũng có thể vận hành.
Do cần phải chuyển đổi, nên thời gian chờ đợi trong khởi động hay vận hành của các app này có thể lâu hơn so với bình thường, nên cần chờ đợi khi đang không có phản hồi.
Kết luận
Mặc dù trong khoảng thời gian dài đứng trước câu hỏi: “Làm thế nào để có thể vận hành được Windows App trên MacBook ?”, ta thường chỉ có thể tim thấy nhiều đáp án xoay quanh việc làm thể nào để có thể vận hành được hệ điều hành Windows trên MacBook thông qua việc bố trí máy ảo. Song máy ảo với những nhược điểm như chiếm nhiều dung tích lưu trữ, vẫn chưa hẳn là phương án tối ưu nhất cho nhu cầu chỉ đơn giản muốn vận hành thêm một vài phần mềm từ Windows.
Tuy nhiên việc tìm thấy Wine cũng phần nào cung cấp được một giải pháp khác, đáng thử cho những bạn dùng MacBook, nhưng vẫn muốn tìm tòi và khám phá trên thiết bị mình sử dụng.
———————————————————————
NOTES ON BLOG ... là một trang Blog các báo cáo tìm hiểu, nghiên cứu xoay quanh nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu về Trung Quốc và các quốc gia vùng lãnh thổ có người Hoa sinh sống, nghệ thuật, quan hệ quốc tế v.v... , dưới hoạt động học tập tự phát của Brian - cử nhân chuyên ngành Sư phạm Trung văn, với tiêu chuẩn khách quan, chi tiết, dễ hiểu.
Rất mong các bạn có một trải nghiệm đọc bài vui vẻ。